Chuyện lạ về khoảng cách cột đèn đường ở Trung Quốc


Chuyện lạ về khoảng cách giữa các cột đèn chiếu sáng?


Khoảng cách giữa hai cột đèn đường thường được tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn CIE 140:2000 và đã được nêu khá chi tiết trong các tài liệu về tiêu chuẩn chiếu sáng đường phố công cộng (ví dụ ở Việt Nam là QCVN 07-7:2016/BXD). Tùy thuộc vào kiểu bố trí đèn, độ cao cột đèn, loại đèn và đặc điểm quang học của bộ đèn... thì khoảng cách tính toán này sẽ thay đổi theo. Khoảng cách cột đèn áp dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới là 25m ~ 40m cho ngoài đường lớn và 15m ~ 20 m cho đường nhỏ.

Khoảng cách cột đúng theo tiêu chuẩn thì sẽ tối ưu được cả ba tiêu chí: Kỹ thuật; Mỹ thuật và Kinh tế. Khoảng cách cột ngắn hơn thì không những tốn kém lãng phí tiền đầu tư mà còn gây ô nhiễm ánh sáng. Riêng trồng cột đèn dày đặc thì quả thật là chuyện lạ và chắc là chỉ có ở Trung Quốc? Thật thú vị khi sưu tầm được mấy cái ảnh chụp công trình ngông như thế này của các đại gia bên Trung Quốc...

Với những giật tít như “Con đường chiếu sáng thiên niên kỷ”, “Đường sáng nhất Trung Quốc”... Các bài báo và trang mạng China đưa tin: Ở làng Đạo Gia (Taojia) ngoại ô thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc đã có cách lắp dựng cột đèn rất kỳ lạ, nơi đây cột đèn được trồng dày đặc, khoảng cách giữa hai cột đèn chỉ là vài ba mét, chỉ với khoảng 3km đường làng nhưng có tới hơn 1000 cột đèn, có đoạn đường nhỏ 5m dài chưa tới 500 mét mà lại trồng hơn 200 cột đèn ở cả hai bên đường… !!!???


Khoảng cách cột đèn ở làng TaoJian Tây An TQ Khoảng cách cột đèn ở làng TaoJian Tây An TQ Khoảng cách cột đèn ở làng TaoJian Tây An TQ

Không nhằm vì mục đích sưu tập hay trình bày nghệ thuật công cộng như tác phẩm cột đèn “Urban Light” trước bảo tàng LACMA ở Mỹ, theo như cách giải thích của ông ZHENG (người đứng đầu làng Taojia) thì mục đích chỉ là lắp đèn đường để tạo điều kiện cho dân làng đi lại vào ban đêm?

Ông Zheng cho biết: quyết định lắp hệ thống đèn này là đã được thông qua bởi cuộc họp của một số người đại diện cho dân trong làng, theo đó dân làng tự góp quỹ để đầu tư, mỗi hộ gia đình góp ít nhất là 2.000 RMB và chi phí cho mỗi cột đèn là khoảng 1.900 RMB. Những cột đèn này bắt đầu được lắp từ năm 2016 cho tới nửa đầu năm 2018.

Ông Zheng cũng phủ nhận các ý kiến cho rằng việc lắp đặt đèn đường như thế này là chỉ nhằm mục đích để nhận tiền bồi thường của chính phủ... (được biết từ cuối năm 2018, đất ở nơi này đang được trưng dụng để thực hiện dự án Sunning Logistics Base ở khu vực cảng quốc tế Tây An).





Rating: 4.5/5 - 6894 reviews