Tính năng chống bụi chống nước là yêu cầu cần phải có của rất nhiều sản phẩm sử dụng trong cuộc sống, mục đích của tính năng này là nhằm đảm bảo được tuổi thọ phục vụ mong đợi của sản phẩm đó đạt độ bền lâu.
Vấn đề đáng quan tâm là khả năng chống bụi chống nước đạt được ở mức độ như thế nào? Ví dụ cùng là điện thoại di động chống nước: có loại cho phép nghe gọi được ngoài trời mưa nhưng sẽ bị hỏng nếu chẳng may bị rơi xuống nước; có loại nếu bị rớt xuống nước vẫn có thể hoạt động tốt; thậm chí có những loại như IP68 hoặc cao cấp hơn là IP69k thì kể cả cho nó lặn sâu xuống biển cũng chẳng hề hấn gì...
Để đánh giá mức độ chống bụi chống nước của một sản phẩm mà nó có thể đạt được thì người ta sẽ tiến hành kiểm tra nó theo tiêu chuẩn IP, chỉ tiêu đánh giá là cấp bảo vệ IP với các chỉ số IP biểu thị mức độ chống bụi nước đạt được, chỉ số IP càng cao thì khả năng chống bụi chống nước càng hoàn hảo.
Cấp bảo vệ IP là cấp bảo vệ bởi vỏ ngoài của một thiết bị để chống lại sự xâm nhập của vật thể rắn hoặc chất lỏng từ bên ngoài vào bên trong thiết bị đó.
Cấp bảo vệ IP (hay còn được gọi là cấp bảo vệ vỏ ngoài bằng mã IP) đã được quy chuẩn bởi tiêu chuẩn quốc tế IEC:60259 hoặc tiêu chuẩn việt nam TCVN 4255:2008.
Thông thường cấp bảo vệ IP được mã hóa bởi chữ cái đầu IP và hai chữ số biểu thị chỉ số bảo vệ IP. Ví dụ như: IP20; IP44; IP54; IP65; IP66; IP67; IP68...
Tiếp sau hai chữ số biểu thị chỉ số bảo vệ IP còn có thể được ghi thêm một đến hai chữ cái phụ. Ví dụ như: IP23C; IP23CS; IP68H...
Chữ cái IP: Là được viết tắt từ chữ tiếng anh Ingress Protection (nghĩa là bảo vệ chống lại sự xâm nhập).
Chữ số thứ nhất: Là chỉ số bảo vệ IP thể hiện mức độ chống lại sự xâm nhập của vật rắn từ bên ngoài.
Chữ số thứ hai: Là chỉ số bảo vệ IP thể hiện mức độ chống lại sự xâm nhập của nước từ bên ngoài.
Chữ cái phụ: Nó có hai dạng hoặc là chữ cái bổ sung hoặc là chữ cái phụ đã được mã hóa trong tiêu chuẩn và dùng để nêu rõ điều kiện chống lại sự xâm nhập.
Chỉ số IP là phần thông tin rất quan trọng của cấp bảo vệ IP, vậy nên khi nói đến khả năng chống bụi chống nước của một thiết bị thì người ta vẫn dùng một trong các cụm từ "chỉ số IP" hoặc "chỉ số bảo vệ IP" hoặc "cấp bảo vệ IP" và chúng đều được hiểu là có cùng nghĩa như nhau.
Chỉ số IP gồm hai chữ số (đôi khi còn có thêm chữ cái phụ sau hai chữ số) để nói lên mức độ chống bụi chống nước đạt được của một thiết bị. Hai chữ số của chỉ số IP đã được tiêu chuẩn hóa và được dùng rất phổ biến, ý nghĩa của các chữ số đó là như sau:
IP[chữ số thứ nhất]x Cấp bảo vệ chống sự xâm nhập của vật thể rắn |
||
---|---|---|
1 |
IP1x: Bảo vệ chống sự xâm nhập của vật rắn lớn 50mm. Ví dụ như mu bàn tay người. | |
2 |
IP2x: Bảo vệ chống sự xâm nhập của vật rắn lớn 12mm. Ví dụ như ngón tay người. | |
3 |
IP3x: Bảo vệ chống sự xâm nhập của vật rắn 2.5mm. Ví dụ như đầu tuốc nơ vít. | |
4 |
IP4x: Bảo vệ chống sự xâm nhập của vật rắn 1.0mm. Ví dụ như đầu dụng cụ nhỏ hoặc lõi dây điện. | |
5 |
IP5x: Hạn chế bụi xâm nhập, lượng bụi lọt vào nếu có thì cũng ít gây hại cho thiết bị | |
6 |
IP6x: Bảo vệ hoàn toàn không bị bụi xâm nhập. | |
IPx[chữ số thứ hai] Cấp bảo vệ chống sự xâm nhập của nước |
||
---|---|---|
1 |
IPx1: Bảo vệ chống lọt nước bởi giọt nước rơi thẳng đứng | |
2 |
IPx2: Bảo vệ chống lọt nước bởi giọt nước rơi thẳng đứng khi đặt thiết bị nghiêng 15 độ. | |
3 |
IPx3: Bảo vệ chống lọt nước bởi nước rơi ở dạng tia từ góc 0 đến 60 độ. | |
4 |
IPx4: Bảo vệ chống lọt nước bởi tia nước bắn tóe ở mọi góc độ | |
5 |
IPx5: Bảo vệ chống lọt nước bởi tia nước được phun vào theo mọi hướng | |
6 |
IPx6: Bảo vệ chống lọt nước bởi nước được phun dưới dạng luồng mạnh từ mọi hướng | |
7 |
IPx7: Bảo vệ chống lọt nước khi ngâm thiết bị trong nước với thời gian khoảng 30 phút ở độ sâu 0,15m ~ 1,0m. | |
8 |
IPx8: Bảo vệ chống lọt nước khi ngâm thiết bị trong nước với thời gian dài ở độ sâu 0,15m ~ 1,0m hoặc sâu hơn nữa. |
Nhìn chung là bộ đèn đạt được chỉ số bảo vệ IP càng cao thì chất lượng của bộ đèn đó càng tốt, tuy nhiên giá thành chế tạo ra nó cũng vì đó mà tăng theo. Do vậy, để đảm bảo tính tối ưu, trong thực tế người ta chỉ chế tạo ra bộ đèn đạt được chỉ số IP phù hợp với từng mục đích yêu cầu sử dụng cụ thể của nó.
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP20: Những loại đèn này chủ yếu là loại đèn chiếu sáng nội thất, chiếu sáng dân dụng lắp trong nhà. Cấp độ bảo vệ vỏ ngoài ở mức ngăn không cho ngón tay chạm vào phần điện nguy hiểm, không bảo vệ chống lọt nước.
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP44: Thường vẫn là loại đèn dân dụng nhưng có cấp bảo vệ chống lọt bụi và nước tốt hơn, phần lớn được ứng dụng để chiếu sáng trong nhà, tuy nhiên vẫn có thể chiếu sáng ngoài nhà ở những nơi có mái che.
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP54: Loại đèn được sử dụng để chiếu sáng để chiếu sáng trong nhà và ngoài nhà. Tuy nhiên đối với chiếu sáng ngoài nhà thì cần lắp ở những nơi sao cho phải thật thuận tiện để lau chùi bảo dưỡng đèn.
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP65: Phần lớn là được thiết kế cho các ứng dụng chiếu sáng ngoài nhà như chiếu sáng công cộng, chiếu sáng đô thị.
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP66: Chủ yếu là được thiết kế để sử dụng cho mục đích chiếu sáng ngoài trời như chiếu sáng công cộng đô thị. Ví dụ như đèn đường led, đèn pha led...
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP67: Được thiết kế cho các mục đích ứng dụng chiếu sáng chức năng cả trong và ngoài nhà nơi có điều kiện làm việc khắc nghiệt như: dễ bắt cháy, độ ẩm cao hoặc có nguy cơ ngập nước. Ví dụ tiêu biểu là đèn trong xưởng trồng nấm, đèn pha chôn đất, đèn dùng cho thợ mỏ...
Bộ đèn đạt cấp bảo vệ IP68: Chủ yếu được sử dụng để chiếu sáng ở dưới nước hoặc những nơi thường xuyên bị ngập nước. Ví dụ như đèn chiếu sáng dưới bể bơi, đèn chiếu nước, đèn pha chôn đất...